Xây dựng khung đánh giá chương trình dự án đầu tư công

13/06/2014

Untitled 1

Hệ thống quản lý đầu tư công của Việt Nam đã từng bước đổi mới nhưng hiệu quả và hiệu suất vẫn còn thấp (Ảnh: Lê Tiên)

Một hệ thống đánh giá khách quan cho phép tính điểm, xếp hạng một cách hệ thống chương trình dự án đầu tư công sẽ giúp lựa chọn được chương trình có chất lượng cao, loại bỏ các chương trình kém chất lượng.

Đây là quan điểm của các đại biểu tham dự Hội thảo: Tiêu chí đánh giá Chương trình đầu tư công, do Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ chuẩn bị và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội dựa trên kết quả 2011-2015.

Theo ông Hoàng Văn Vịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Địa phương và Lãnh thổ (Bộ KH&ĐT), đầu tư công là yếu tố then chốt đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi Việt Nam mong muốn trở thành “một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vào năm 2020 như mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã đặt ra. Ngân sách mà Chính phủ chi cho quản lý và thực hiện đầu tư công hàng năm là rất lớn, vì vậy cần thiết phải xây dựng một quy trình và phương pháp đánh giá khách quan để hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu phát triển trung hạn và dài hạn.

Hệ thống quản lý đầu tư công của Việt Nam đã từng bước đổi mới nhưng hiệu quả và hiệu suất vẫn còn thấp và chứa đựng nhiều hạn chế nên chưa mang lại những kết quả tích cực và thực tế cho thấy hiện đang thiếu một bộ tiêu chí đánh giá khách quan, khoa học và cụ thể cho từng loại chương trình dự án. Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp về quản lý, theo dõi và đánh giá đầu tư công vẫn còn thiếu đồng bộ. Theo ông Ramesh Adhikari, Trưởng nhóm chuyên gia của Dự án, cần thiết phải xây dựng một quy trình theo dõi và đánh giá đầu tư công mạch lạc và toàn diện từ quan điểm về đầu tư như: lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình dự án; triển khai thực hiện dự án cho đến vận hành chương trình dự án đầu tư công.

Cũng theo ý kiến của một số đại biểu, việc theo dõi các chương trình dự án đầu tư công hiện nay vẫn thực hiện theo phương pháp cũ, chủ yếu tập trung vào theo dõi tiến độ hoàn thành khối lượng công việc và tài chính mà chưa chú trọng đến theo dõi quá trình tạo ra kết quả trực tiếp và tác động của dự án. Chưa có quy định pháp luật nào yêu cầu phải theo dõi kết quả dự án và gắn những kết quả đó với mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương và của cả nước. Như vậy hệ thống hiện tại còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khó có thể áp dụng đánh giá và phân tích từng bước của một dự án cũng như tổng thể hoạt động đầu tư công.

Chia sẻ về hệ thống đánh giá chương trình đầu tư công mới đang được xây dựng, ông Ramesh Adhikari cho biết, các tiêu chí chính được sử dụng thường xuyên nhất để đánh giá phát triển bao gồm: tính phù hợp, tính hiệu quả, tính hiệu lực/hiệu suất và tính bền vững. Theo đó, tính phù hợp được đánh giá trên cơ sở sự hợp lý của chương trình dự án tại thời điểm thiết kế và thời điểm tiến hành đánh giá. Tính hiệu quả quan tâm đến việc nguồn lực của chương trình dự án đã được chuyển hóa một cách tiết kiệm đến đâu để trở thành kết quả. Tiêu chí tính hiệu suất được xem xét trên cơ sở thực hiện đánh giá mức độ đạt được hoặc có khả năng đạt được các mục tiêu và kết quả mong muốn. Còn tính bền vững, theo ông  Ramesh Adhikari sẽ tập trung đánh giá về tài chính xem liệu chương trình dự án có tạo được nguồn thu hoặc có thể yêu cầu sự hỗ trợ tiếp tục của ngân sách để đảm bảo chuỗi đầu ra và kết quả trực tiếp của chương trình dự án được duy trì hay không?

IMG

Ông Ramesh Adhikari, Trưởng nhóm chuyên gia của Dự án giới thiệu về khung đánh giá chương trình dự án đầu tư công (Ảnh: Nhã Chi)

Cũng theo ông Ramesh Adhikari, một khung đánh giá kết quả đầu tư với 4 biên độ sẽ được xây dựng để hỗ trợ quá trình đánh giá. Theo đó, mỗi tiêu chí sẽ được tính điểm, kết quả tính điểm sẽ được xếp vào một biên độ tương ứng. Có 4 biên độ đánh giá kết quả là: “Rất tốt” nếu điểm đánh giá từ 80% trở lên, “Tốt” nếu điểm đánh giá nằm trong khoảng 60% đến dưới 80%; “Trung bình” nếu điểm đánh giá nằm trong khoảng từ 50% đến 60% và “Kém” nếu điểm đánh giá thấp hơn 50%. Theo các chuyên gia, Khung đánh giá này được xem là rất hữu ích để quyết định và sau đó thông báo cho các nhà quản lý về những tiến triển chậm chạp hoặc đình trệ trong các chương trình dự án để cân nhắc xem liệu có chấm dứt hay tiếp tục cấp vốn cho chương trình dự án. Ví dụ, nếu kết quả đánh giá được xếp ở biên độ “kém” (đạt được dưới 50% kết quả dự kiến ở thời điểm giữa kỳ) mà nguyên nhân gây ra sự trì hoãn đó không dễ giải quyết thì chương trình dự án không nên tiếp tục được chính phủ hỗ trợ nữa. 

Nguồn: Báo Đấu thầu - Quang Minh