Nghiêm cấm bán thầu các công trình, dự án đầu tư của nhà nước

16/06/2014

Untitled 1

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật đầu tư cần phải phân cấp mạnh việc quản lý đầu tư (Ảnh: Nhàn Sáng)

Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Tỷ (đoàn Bến Tre) tại Phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) vào sáng ngày 13/6. Ông Nguyễn Xuân Tỷ chỉ ra thực tế hiện nay việc bán thầu không chỉ xảy ra với những công trình đầu tư lớn mà có những công trình chỉ khoảng 20 tỷ, nhà thầu cũng sẵn sàng bán lại lấy 10 tỷ. “10 tỷ vẫn có người nhận làm vì chỉ để nuôi công nhân nhưng nhà đầu tư “ăn” hết cả sắt, xi măng, vật liệu và “ăn” cả ngày công của công nhân… Không thuê thợ lành nghề với giá 250.000 đồng/ngày mà chỉ mướn người làm 150.000 đồng/ngày. Làm như vậy thì còn đâu công trình có chất lượng”. Đại biểu tỉnh Bến Tre thẳng thắn phát biểu.

Theo ông Nguyễn Xuân Tỷ, muốn khắc phục tình trạng này thì phần cam kết của các nhà đầu tư về chất lượng các dự án với chính quyền, nhân dân phải được chú trọng, vì nếu không làm tốt cái này thì về sau “cha chung không ai khóc”. Ông Nguyễn Xuân Tỷ lấy dẫn chứng về con đường từ Phụng Hiệp về Hậu Giang vừa đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm đã xuống cấp nghiêm trọng do thất thoát đầu tư. 

Từ các câu chuyện thực tế, một số đại biểu nêu ý kiến, việc sửa đổi Luật đầu tư cần phải phân cấp mạnh việc quản lý đầu tư. Nhà nước quản lý ở cấp vĩ mô, còn cấp tỉnh thì quản lý cùng với các nhà đầu tư, nhà thầu để giám sát, kiểm tra, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đối với những ngành nghề bị cấm đầu tư, các đại biểu cho rằng, nếu đưa vào Luật càng cụ thể bao nhiêu sẽ càng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và nhà quản lý. 

Thảo luận về vấn đề ưu đãi đầu tư, các đại biểu bày tỏ tán thành chủ trương áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn khó khăn mà dự thảo Luật đưa ra. Tuy nhiên, theo các đại biểu, dự thảo Luật cần cụ thể hóa các tiêu chí dựa trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, tránh ưu đãi tràn lan cho nhà đầu tư mà gây thiệt thòi cho người dân. Một số đại biểu lưu ý Ban soạn thảo cần chú ý thêm những địa bàn đầu tư nhạy cảm về an ninh quốc phòng và có những quy định cụ thể cho vấn đề này.

IMG

Để khắc phục tình trạng công trình kém chất lượng thì phần cam kết của các nhà đầu tư về chất lượng các dự án phải được chú trọng (Ảnh: Lê Tiên)

Nhấn mạnh yêu cầu đặt dự án Luật trong mối liên hệ với hàng loạt luật khác điều chỉnh về môi trường đầu tư kinh doanh như Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán… cũng như các văn kiện hợp tác thương mại, đầu tư quốc tế mà Việt Nam có tham gia, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề nghị, cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các bên, nhưng trong một số trường hợp thì việc tách bạch nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng rất cần thiết để có giải pháp quản lý đúng đắn. Bên cạnh đó, các quy định về đầu tư ra nước ngoài cũng cần được chú trọng kiểm soát đúng mức. Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý, trong các chính sách ưu đãi đầu tư, cần tăng thêm liều lượng hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. 

Thảo luận về nguyên tắc đầu tư phải theo quy hoạch, đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) bày tỏ băn khoăn:  Thực tế đầu tư rất đa dạng, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều quy hoạch ở các địa phương được điều chỉnh linh hoạt theo thời gian. Nếu nhà đầu tư vào nhưng chưa có quy hoạch thì họ sẽ vướng ngay nguyên tắc ban đầu. Do vậy, chỉ nên áp dụng nguyên tắc này với một số loại đầu tư có điều kiện.

Nguồn: Báo Đấu thầu - Quang Minh