Nhập siêu gói thầu EPC từ nhà thầu Trung Quốc. Đâu là sự thật

30/05/2011

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc nhà thầu Trung Quốc chiếm lĩnh phần lớn số hợp đồng thực hiện gói thầu EPC. Thậm chí, trên một số báo mạng cũng như báo giấy đã xuất hiện khá nhiều các dòng tít như: “Hiểm họa quốc gia: 90% gói thầu trọng điểm quốc gia rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc” hay “nhập siêu EPC từ Trung Quốc”. Vậy, cái gọi là “nhập siêu” hay “nhà thầu Trung Quốc trúng 90% gói thầu EPC” có phản ánh đúng thực trạng việc thực hiện hợp đồng EPC hiện nay hay không? Nếu có thì đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Bài viết gồm 6 kỳ này sẽ đi sâu phân tích thực trạng, nguyên nhân cũng như đưa ra một số giải pháp cho tình trạng nêu trên.
KỲ 1
90% GÓI THẦU EPC THUỘC VỀ NHÀ THẦU TRUNG QUỐC?
CON SỐ VÀ SỰ KIỆN

Gói thầu EPC bao gồm các công việc thiết kế (engineering), cung cấp vật tư, thiết bị (procurement) và xây dựng (construction). Đối với chủ đầu tư, việc lựa chọn nhà thầu EPC sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí lựa chọn nhà thầu cũng như chia sẻ bớt trách nhiệm quản lý hợp đồng: thay vì quản lý hợp đồng với tất cả nhà thầu, chủ đầu tư chỉ phải quản lý hợp đồng với nhà thầu EPC. Nhà thầu EPC sẽ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và xây dựng. Vì vậy, công việc của chủ đầu tư có vẻ “nhẹ nhàng” hơn.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương vào tháng 11/2010, cả nước có 118 gói thầu EPC. Trong đó, có 58 gói thầu EPC (chiếm 49%) áp dụng hình thức chỉ định thầu, 33 gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế (chiếm 28%), 27 gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước (chiếm 23%). Trong số 58 gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, nhà thầu Việt Nam được chỉ định 48 gói (chiếm 83%), nhà thầu Trung Quốc được chỉ định 8 gói (chiếm 14%), còn lại là nhà thầu thuộc G7 và nhà thầu liên danh. Trong số 33 gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế, nhà thầu Trung Quốc trúng 20 gói (chiếm 61%); nhà thầu Việt Nam chỉ trúng 4 gói (chiếm 12%), còn lại 9 gói thuộc về nhà thầu G7 và nhà thầu liên danh (chiếm 27%).
Như vậy, trong tổng số 118 hợp đồng EPC, nhà thầu Trung Quốc giành được 28 hợp đồng (chiếm 24%), nhà thầu Việt Nam giành được 79 hợp đồng (chiếm 67%). So với nhà thầu từ G7 và từ các nước khác, rõ ràng là nhà thầu Trung Quốc chiếm ưu thế trong việc giành hợp đồng EPC tại Việt Nam. Tuy vậy, số lượng hợp đồng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện chỉ gần bằng 1/3 số hợp đồng do nhà thầu Việt Nam thực hiện, còn quá xa mới đạt đến con số 90% mà một số tờ báo gần đây nhắc đến như là một bằng chứng cho việc “nhập siêu EPC” từ nhà thầu Trung Quốc.
Tuy nhiên, đừng vội lạc quan khi cho rằng, nhà thầu Trung Quốc chỉ giành 24% số hợp đồng EPC trên phạm vi cả nước. Xét riêng trong các đơn vị áp dụng nhiều hình thức hợp đồng EPC, 14 trong tổng số 26 gói thầu EPC (chiếm 54%) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Trong đó, có 6 gói thầu nhà máy nhiệt điện đốt than, còn lại 8 gói thầu là thuộc lĩnh vực khai thác mỏ, dây chuyền sản xuất xi măng, xử lý bùn trong ngành than, sản xuất gang, thép, xây dựng nhà máy alumin, bauxite nhôm Lâm Đồng và nhà máy sản xuất alumin nhân cơ.
So với Tập đoàn TKV, số lượng hợp đồng mà nhà thầu Trung Quốc giành được trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khá khiêm tốn: 4 gói thầu trong tổng số 23 gói thầu EPC. Nếu tính cả nhà thầu liên danh Marubeni+Đông Phương là nhà thầu Trung Quốc thì con số lên đến 6 gói thầu, chưa bằng một nửa số nhà thầu Trung Quốc giành được hợp đồng ở Tập đoàn TKV. Nhà thầu Trung Quốc còn giành được hợp đồng tuy không nhiều ở các Tập đoàn khác như: Tập đoàn Cao su Việt Nam (2 gói), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 gói) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (1 gói là nhà thầu Trung Quốc, 2 gói là liên danh Việt Nam+Trung Quốc).
Như vậy, có thể thấy rằng, con số 90% gói thầu EPC nói chung và 90% gói thầu EPC trong các ngành điện, dầu khí, hóa chất do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận mà một số tờ báo đề cập đến thời gian qua là không có cơ sở. Xét về ngành điện, nhà thầu Trung Quốc chỉ chiếm ưu thế trong ngành nhiệt điện đốt than mà không phải toàn bộ Ngành. Đối với gói thầu EPC nhiệt điện khí, nhà thầu Trung Quốc hầu như không có mặt. Trong số các dự án nhiệt điện do PVN làm chủ đầu tư (hoặc quản lý), các gói thầu EPC xây dựng nhà máy khí điện Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1 hay Nhà máy nhiệt điện đốt than Vũng Áng 1 đều do nhà thầu Việt Nam là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện.
Trái với dự án nhiệt điện đốt than, đối với các gói thầu EPC xây dựng nhà máy thủy điện, chủ yếu do nhà thầu Việt Nam đảm nhận. Chẳng hạn, từ năm 2006 đến nay, EVN đã làm chủ đầu tư hoặc quản lý 14 dự án thủy điện được chỉ định thầu cho nhà thầu Việt Nam thực hiện theo cơ chế 749+400+1195.
Tại sao nhà thầu Trung Quốc lại chiếm ưu thế trong các dự án nhiệt điện đốt than? Từ kỳ 2 của bài viết này trở đi sẽ đi sâu phân tích việc nhà thầu Trung Quốc giành hợp đồng trong các dự án nhiệt điện đốt than. Ở các ngành khác, do nhà thầu Trung Quốc không chiếm ưu thế và số lượng gói thầu EPC của nhà thầu Trung Quốc không nhiều nên không đưa vào phân tích trong bài viết.
Xem tiếp kỳ 2 (Nguồn Báo đấu thầu)