Luật Đấu thầu: Công hay tội? (kỳ 3)

07/06/2011

New Page 1

KỲ 3
LUẬT ĐẤU THẦU: CÔNG HAY TỘI?
Từ khi Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, công tác đấu thầu trên cả nước được thực hiện chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn. Nhưng gần đây, Luật Đấu thầu được nhắc tới nhiều như là nguyên nhân của tình trạng “nhập siêu EPC” từ Trung Quốc. Cái “tội” lớn nhất của Luật Đấu thầu do dư luận chỉ ra là “chọn giá rẻ”, vì chọn giá rẻ nên chỉ có nhà thầu Trung Quốc trúng thầu. Một số chuyên gia còn đề xuất cách thức xét duyệt trúng thầu để thay thế tiêu chí “chọn giá rẻ” như: chọn nhà thầu có giá dự thầu trung bình, hoặc giá dự thầu hợp lý hay chọn nhà thầu có điểm tổng hợp giữa kỹ thuật và giá cao nhất…
Vậy, Luật Đấu thầu có “tội” thật không?
Thứ nhất, có lẽ nên miễn cho Luật Đấu thầu cái “tội” để cho “trên 90% gói thầu EPC nhiệt điện, hóa chất… thuộc về nhà thầu Trung Quốc”, vì rõ ràng nhà thầu Trung Quốc chỉ chiếm ưu thế trong các dự án nhiệt điện đốt than mà không phải là toàn bộ gói thầu ngành điện cũng như toàn bộ gói thầu EPC. Trong số các dự án nhiệt điện đốt than do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, có tới 58% là do họ được chỉ định thầu (kể cả những gói thầu gần đây như nhiệt điện Duyên Hải 1), nghĩa là 58% việc nhà thầu Trung Quốc giành được hợp đồng chẳng liên quan gì đến “công” hay “tội” của Luật Đấu thầu vì chủ đầu tư được quyền lựa chọn một nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nếu Luật Đấu thầu có “tội” thì cái “tội” này chỉ nên xét trong số 42% số gói thầu còn lại mà nhà thầu Trung Quốc giành được thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Tiếp theo, cần phải xem xét trong số 42% gói thầu mà nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, chúng ta có bao nhiêu “tiền” trong tay. Trước khi xem xét chất lượng “của cải - tài sản” thì cần xem độ nặng nhẹ của “tiền”, thể hiện ở tổng mức đầu tư, dự toán của dự án.
Phải nói rằng, trừ những gói thầu ODA, chúng ta không có nhiều “tiền”. Nhiều dự án phải phê duyệt lại dự toán và tổng mức đầu tư do giá dự thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch của tất cả nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu G7 đều vượt dự toán, tổng mức đầu tư. Điều này có phần bắt nguồn từ việc phải duy trì tổng mức đầu tư thấp để có đầu ra là giá điện thấp (giá bán lẻ điện cuối cùng bị kiểm soát để tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trong nước cũng như đời sống nhân dân).
Để dễ hình dung, hãy thử làm một phép so sánh giữa “tiền” và “của cải - tài sản” của hai dự án khác nhau, một dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản (tiền được cho là “xông xênh” hơn) và một dự án do nhà thầu tự thu xếp vốn. Gói thầu Nhiệt điện đốt than Nghi Sơn 1 được tài trợ bởi nguồn vốn ODA của Nhật Bản có giá ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu Marubeni quy đổi ra USD là 959 triệu USD (sau khi hủy đấu thầu lần 1 và tiến hành đàm phán với nhà thầu). Hợp đồng có hiệu lực từ ngày 22/7/2010 với quy mô công trình là 2 tổ máy 300 MW.
Cùng quy mô công trình 2 tổ máy 300 MW, ở dự án Nhiệt điện Hải Phòng 1, giá ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu liên danh Đông Phương+Marubeni (nhà thầu Đông Phương - Trung Quốc là nhà thầu chính thực hiện hợp đồng) là 355,1 triệu USD+8,69 tỷ yên+600 tỷ đồng, tương đương 480 triệu USD. Hợp đồng được ký kết vào ngày 26/11/2005. Mặc dù vật giá thay đổi nhiều từ năm 2005 - 2010 nhưng giá trúng thầu của dự án do nhà thầu Nhật Bản thực hiện gấp đôi giá do nhà thầu Trung Quốc thực hiện cũng phản ánh phần nào thực tế là “tiền nào của nấy” (nếu tính theo đồng Việt Nam thì do sự mất giá của đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ trong 5 năm 2005 - 2010, từ khoảng hơn 15.000 VND/USD đến hơn 19.000VND/USD, giá trúng thầu của nhà thầu Nhật thậm chí còn cao gấp 2,5 lần so với nhà thầu Trung Quốc).
Luật Đấu thầu được coi là “có tội” vì chọn “giá rẻ”. Nhưng chỉ có từng ấy tiền, liệu chúng ta có thể mua “đắt xắt ra miếng”? Như trường hợp dự án Nhiệt điện Hải Phòng 1 nêu trên, “tiền” được xác định từ ban đầu từ khi quyết định đầu tư và được cụ thể thông qua giá gói thầu là 472 triệu USD. Giá chào sau khi sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch thấp nhất là 480 triệu USD, vượt giá gói thầu gần 1,777%. Giá chào sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch của nhà thầu xếp hạng thứ 2 (nhà thầu liên danh Mitsu+Hitachi+Huyndai) là 563 triệu USD, vượt giá gói thầu 19,24%. Chủ đầu tư cũng đã tính toán mức chênh lệch so với giá gói thầu (19,24%) vượt quá nhiều so với chi phí dự phòng trong tổng dự toán dẫn đến chi phí cả Dự án vượt tổng dự toán và vượt tổng mức đầu tư, Dự án không còn hiệu quả. Vì vậy, nếu không chọn nhà thầu Đông Phương+Marubenivới giá trúng thầu 480 triệu USD mà muốn chọn nhà thầu có giá cao hơn thì cũng không thể, vì khi đó tính hiệu quả của Dự án không còn, cũng không đủ tiền đầu tư cho Dự án. Muốn Dự án có hiệu quả thì phải tăng giá bán điện mà điều này thì không thể.
“Tiền” của chúng ta chỉ có như vậy, do đó, thay vì yêu cầu “của cải - tài sản” phải luôn luôn đạt đẳng cấp thế giới, có lẽ nên xem xét “của cải - tài sản” có xứng đáng với “tiền” không, có đạt được mức “tiền nào của nấy” không thì hợp lý hơn chăng? Sẽ là vấn đề nghiêm trọng nếu có nhiều “tiền” nhưng lại chỉ mua được “của cải - tài sản” kém chất lượng, tuy nhiên, sẽ thực tế hơn nếu nhìn nhận “của cải - tài sản” trong mối tương quan với “ít iền”. Dĩ nhiên, không thể chấp nhận vì ít tiền mà phải mua “của cải - tài sản” kém chất lượng, nhưng rõ ràng là “ít tiền” khó song hành với “của cải - tài sản” có chất lượng hàng đầu thế giới.
Bài viết này không có tham vọng đi sâu phân tích tại sao “tiền” chỉ có như thế, vì nó liên quan đến nhiều vấn đề lớn như: nguồn vốn đầu tư, giá điện, cách lập tổng mức đầu tư, dự toán… Cũng không loại trừ khả năng là ngay từ khâu chuẩn bị dự án, “của cải - tài sản” đã được xác định trước, xuất phát từ việc đưa ra “của cải - tài sản” người ta xác định ngược lại mức “tiền” và với “tiền” này chỉ có thể mua được “của cải - tài sản” đó. Nói cách khác, ngay từ khâu chuẩn bị dự án, “của cải - tài sản” đã được định trước và như vậy, việc lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hay chỉ định thầu chỉ là hình thức! Tuy nhiên, những vấn đề trên nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của bài viết này.
Bây giờ, hãy xem xét tiêu chí “chọn giá rẻ” để xác định cái “tội” của Luật Đấu thầu. Luật Đấu thầu quy định chọn nhà thầu có “giá đánh giá thấp nhất”. Giá đánh giá thấp nhất rõ ràng khác với giá dự thầu rẻ nhất. Để xác định giá đánh giá, trước tiên giá dự thầu cần được sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, đưa về một đồng tiền chung (nếu có), cộng với chi phí trên cùng một mặt bằng (tiến độ thực hiện, chi phí bảo dưỡng, quản lý, vận hành trong suốt vòng đời của nhà máy, các điều kiện về tài chính, thương mại như lãi suất vay… và ưu đãi đối với nhà thầu Việt Nam trong đấu thầu quốc tế).
Lấy ví dụ về giá đánh giá của gói thầu số 10 thuộc dự án Nhà máy điện Cẩm Phả 1. Gói thầu số 10 được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Sau khi hủy đấu thầu lần 2, hai nhà thầu là Marubeni của Nhật Bản và Công trình điện Cáp Nhĩ Tân (HPE) của Trung Quốc được mời đồng thời vào đàm phán trực tiếp. Tiêu chí để lựa chọn nhà thầu trúng thầu là giá đánh giá thấp nhất, được xác định trên cơ sở tính toán các đầu vào để xác định đầu ra là giá điện. Nhà thầu có giá điện thấp hơn sẽ được chọn.
Dĩ nhiên là giá dự thầu của nhà thầu chiếm một vị trí đáng kể trong việc xác định “đầu ra”, tuy nhiên giá dự thầu không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến việc nhà thầu HPE được chọn. Các thông số Nhà máy như công suất tinh, sản lượng điện thương phẩm, hiệu suất tinh của Nhà máy trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu HPE đều cao hơn nhà thầu Nhật Bản.
Chẳng hạn, công suất tinh của nhà thầu Marubeni là 305,85 MW, nhà thầu HPE là 310,003 MW; sản lượng điện thương phẩm của Marubeni trong 25 năm là 45.877,50 triệu kWh, trong khi con số tương ứng của nhà thầu HPE là 46.500,45 triệu kWh. Lãi vay trong quá trình xây dựng của nhà thầu HPE thấp hơn nhà thầu Nhật (57.796.752 USD so với 64.365.454 USD). Các chi phí khác như chi phí vận hành và bảo dưỡng, chi phí mua đá vôi của nhà thầu HPE cũng thấp hơn hẳn nhà thầu Nhật Bản (chi phí bảo dưỡng trong 25 năm của nhà thầu HPE là 163.129.204 USD so với 196.794.765 USD của nhà thầu Nhật Bản).
Gần như có một “mặc định” là chất lượng công trình của nhà thầu Nhật sẽ tốt hơn nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên, với một hồ sơ dự thầu như nêu trên, nhà thầu Trung Quốc “có vẻ” còn tốt hơn nhà thầu Nhật. Sản lượng điện thương phẩm của nhà thầu HPE còn lớn hơn của nhà thầu Nhật. Giá điện trung bình cuối cùng sau khi tính toán các yếu tố đầu vào trong vòng 25 năm đưa về giá hiện tại thì nhà thầu HPE (3,524 cent/kWh) thấp hơn nhà thầu Nhật (3,736 cent/kWh).
Ví dụ trên cho thấy, nếu chỉ có giá dự thầu rẻ hơn thì không thể đảm bảo rằng nhà thầu HPE trúng thầu. Các yếu tố khác như thông số vận hành nhà máy, chi phí lãi vay, bảo dưỡng… góp phần không nhỏ cho việc giá đánh giá của nhà thầu HPE là thấp nhất, dẫn đến việc nhà thầu này trúng thầu.
Việc kê khai của nhà thầu HPE có đúng với thực tế không, có thật là công suất tinh, sản lượng điện thương phẩm của nhà máy do nhà thầu HPE xây dựng sẽ cao hơn so với nhà thầu Nhật Bản hay không? Hồ sơ mời thầu đưa ra công thức xác định giá đánh giá đã hợp lý chưa? Năng lực của chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia đấu thầu có đảm bảo đánh giá hồ sơ dự thầu đúng không? Những yếu tố này cho thấy “cái tội” của Luật Đấu thầu, nếu có, cần phải được xem xét trong bối cảnh rộng lớn hơn, nơi có sự giao thoa giữa việc ban hành Luật và việc thực thi Luật; giữa nội dung của một đạo luật và yếu tố con người áp dụng đạo luật đó.
Tiêu chí “giá đánh giá thấp nhất” - một phần của tiêu chí “hồ sơ dự thầu ưu thế nhất” là một trong các cách thức xét duyệt trúng thầu cơ bản trên thế giới. 41 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của Hiệp định Mua sắm chính phủ trong Tổ chức Thương mại Thế giới và 22 quan sát viên, cộng với một số lượng lớn các quốc gia được nhận tài trợ vốn từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ quốc tế… đều sử dụng tiêu chí này. Nhưng, đối với Việt Nam, tiêu chí này, biết đâu lại có “tội” vì nó “tiên tiến” quá so với thực trạng công tác đấu thầu ở Việt Nam nên số lượng người thực sự “làm chủ” được nó còn ít hay là vì còn nhiều tiêu chí hay hơn, phù hợp hơn với thực trạng của Việt Nam mà những người soạn thảo Luật Đấu thầu lại không đưa vào. Hãy xem xét các đề xuất của một số đơn vị, cá nhân về việc thay thế tiêu chí “giá đánh giá thấp nhất” xem có phù hợp hơn với thực trạng Việt Nam hay không.
Đề xuất thứ nhất là lựa chọn nhà thầu có giá dự thầu trung bình với lập luận cách thức này sẽ loại bỏ được các nhà thầu chào giá rẻ, kém chất lượng như một số nhà thầu Trung Quốc. Bù lại, Nhà nước sẽ mất một khoản tiền. Chất lượng công trình có thể (chỉ là có thể, vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như giám sát, quản lý hợp đồng) được nâng cao hơn. Nhà nước mất một khoản tiền để có thể cải thiện được tình hình thực hiện hợp đồng EPC hiện tại.
Đề xuất này, thoạt nghe, cũng có vẻ thú vị. Thế nhưng tìm hiểu sâu hơn thì có thể thấy đề xuất này rõ ràng là không ổn. Tại sao nhà thầu Trung Quốc chào giá dự thầu rẻ, các thông số vận hành tối ưu hơn đối thủ khác, lãi vay thấp hơn…, tóm lại là họ đưa ra hồ sơ dự thầu tối ưu hơn nhà thầu từ các quốc gia khác? Đơn giản vì tiêu chí chấm bài thi của họ tại thời điểm hiện tại là “giá đánh giá thấp nhất”. Để có giá đánh giá thấp nhất thì không chỉ giá dự thầu cạnh tranh, mà các thông số vận hành, rồi lãi vay, chi phí bảo dưỡng… tức là tất cả yếu tố cấu thành giá đánh giá được xem xét để đem đến tính cạnh tranh cao nhất.
Còn nếu tiêu chí xét duyệt trúng thầu là “giá dự thầu trung bình” thì nhà thầu chẳng có lý do gì để chào giá rẻ. Nhà thầu sẽ “nghe ngóng” để đưa ra mức giá mà nhà thầu cho là sát với giá trung bình. Để an toàn hơn nữa, nhà thầu sẽ mời một vài “quân xanh quân đỏ” chào giá ngất ngưởng trên trời, khi đó, giá dự thầu trung bình cũng cao ngất ngưởng không kém. Nhà nước mất số tiền khổng lồ mà kết quả thì không đạt được: không thể loại được nhà thầu nước ngoài kém chất lượng, chất lượng công trình cũng không hẳn sẽ được nâng cao vì vẫn xuất xứ thiết bị đấy, nhà thầu đấy… Ngoài ra, với mức tiền đã xác định từ ban đầu, đề xuất “chọn giá trung bình” e là không khả thi vì không đủ tiền để “mua” những hàng hóa đó.
Đề xuất thứ hai là chọn nhà thầu có giá dự thầu hợp lý. Đề xuất này đã được thảo luận rất nhiều khi ban hành Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, thế nào là hợp lý thì chẳng ai có thể đảm bảo, vì không thể định lượng được thế nào là “hợp lý”. Như trong cuộc sống đời thường, một bát phở giá một trăm nghìn thì với những ông chủ, giá đấy là hợp lý, chấp nhận được. Nhưng với người làm công ăn lương, mức giá đó là quá đắt. Vì vậy, để được trúng thầu, các nhà thầu sẽ lăn xả vào chủ đầu tư, sẵn sàng chi trả những khoản “bất hợp lý” để được đánh giá là “hợp lý”.
Trên bình diện quốc gia, sẽ khó tránh khỏi tình trạng đại sứ quán các nước gửi thư cho các cơ quan nhà nước của Việt Nam cam đoan rằng, giá dự thầu của nhà thầu đất nước họ là hợp lý, hay để thể hiện sự giận dữ, hoặc đe dọa trả đũa khi bị phân biệt đối xử vì cho rằng giá dự thầu của nhà thầu họ là hợp lý thì bị đánh giá là bất hợp lý, trong khi giá dự thầu nhà thầu nước khác là bất hợp lý thì được đánh giá là hợp lý. Sự công bằng, minh bạch - những nguyên tắc tối cao trong đấu thầu vì thế sẽ không còn. Ai được lợi? Chỉ có chủ đầu tư. Nhà thầu có được lợi không? Chưa chắc, vì họ sẽ phải trừ cái “giá hợp lý” cho cái “bất hợp lý” để được đánh giá là hợp lý. Nhà nước có được lợi không? Rõ ràng là không những không được lợi, mà còn bị thiệt, vì lòng tin của nhân dân vào công lý, vào sự công bằng, minh bạch không còn.
Vì những lý do trên mà sau khi Luật Đấu thầu được ban hành, tại các Nghị định như Nghị định 111/2006/NĐ-CP, Nghị định 58/2008/NĐ-CP và Nghị định 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn hai đạo luật là Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng, khái niệm “giá đánh giá thấp nhất” được sử dụng để biểu hiện “giá dự thầu hợp lý”. Nói cách khác, giá dự thầu hợp lý đồng nhất với giá đánh giá thấp nhất.
Đề xuất thứ ba là kết hợp giữa điểm kỹ thuật và giá dự thầu. Trên thế giới, người ta thường không dùng thang điểm để chấm đề xuất kỹ thuật mà chỉ dùng tiêu chí đạt/không đạt vì việc cho điểm thường phụ thuộc vào chủ quan của người chấm. Cách kết hợp giữa điểm kỹ thuật và giá dự thầu cũng không phải là một cách thức xét duyệt trúng thầu mới, vì bản chất đây là cách thức xác định giá đánh giá, tuy nhiên cách thức xây dựng giá đánh giá này không hoàn toàn khoa học. Bởi vì việc hơn kém nhau một số điểm (vốn phụ thuộc hoàn toàn vào chủ quan của người chấm) được quy về một khoản tiền có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng do chủ quan của người chấm. Do đó, ý chí của chuyên gia chấm thầu sẽ quyết định nhà thầu trúng thầu chứ không hẳn do nhà thầu có hồ sơ dự thầu tối ưu nhất. Ngoài ra, nếu cho rằng với cách thức như vậy sẽ loại được nhà thầu Trung Quốc kém chất lượng thì người viết e rằng quá lạc quan. “Vỏ quýt dày” của nhà thầu Trung Quốc sẽ được bàn luận kỹ hơn trong kỳ 4 của Bài viết.
Như vậy, có thể thấy rằng, những đề xuất thay thế tiêu chí “giá đánh giá thấp nhất” là không có cơ sở. Điều đó, phải chăng có nghĩa là Luật Đấu thầu “vô tội”? Vì khi chưa có một phương án tối ưu hơn, chúng ta phải chấp nhận phương án tốt nhất mà chúng ta đang có. Quả thật, từ khi ban hành Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 quy định việc áp dụng phương pháp giá đánh giá cho đến nay, đã hơn mười năm mà Việt Nam vẫn chưa “sáng tạo” được tiêu chí xét duyệt trúng thầu khác, nghĩa là chưa có một đề xuất nào hay hơn để có thể thay thế cái mà cả thế giới đang dùng là “giá đánh giá thấp nhất”. Nhưng Luật Đấu thầu có phải thực sự “vô tội”?
Để trả lời câu hỏi này, người viết thử sắm một vài “vai” để nhìn vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Trong vai trò lập pháp, người viết sẽ trả lời là “Luật Đấu thầu vô tội” vì những lý do chính sau:
Thứ nhất là “tiền” chỉ có như vậy, muốn mua hàng hóa chất lượng cao hơn cũng không đủ tiền. Đây gần như là nguyên nhân chính khiến nhà thầu Trung Quốc trúng nhiều gói thầu đấu thầu quốc tế.
Thứ hai là khi tham dự thầu, công trình mà hồ sơ dự thầu của nhà thầu vẽ nên đều đạt tiêu chuẩn. Giá rẻ, chất lượng đáp ứng yêu cầu (mặc dù trên giấy), vậy thì không có lý do gì không chọn nhà thầu như vậy. Còn sau này, chất lượng của nhà máy “trên thực tế” khác xa so với “trên giấy” thì đó là câu chuyện của quản lý hợp đồng, của năng lực chủ đầu tư, tư vấn khi đánh giá hồ sơ dự thầu. Không nên đánh đồng chất lượng của những công việc sau đấu thầu (như quản lý hợp đồng) và chất lượng của đội ngũ tư vấn với quy định “giá đánh giá thấp nhất” của Luật Đấu thầu. Những phần công việc này có chất lượng độc lập với nhau, vì vậy, kể cả Luật Đấu thầu có tiêu chí “chọn giá cao nhất” mà chất lượng công tác quản lý hợp đồng vẫn không thay đổi thì tình trạng “nhà máy trên thực tế” kém xa so với “nhà máy trên giấy” vẫn không cải thiện được.
Luật Đấu thầu của bất kỳ nước nào trên thế giới cũng nhằm chọn nhà thầu có nhà máy “trên giấy” với tiêu chuẩn kỹ thuật xác định, còn công tác quản lý hợp đồng là để giúp đảm bảo nhà máy “trên giấy” sẽ như nhà máy “trên thực tế”. Do vậy, không nên đổ lỗi cho “cơ chế chọn giá đánh giá thấp nhất” vì chất lượng của những công việc khác.
Thứ ba là hồ sơ mời thầu, bao gồm tiêu chuẩn xác định giá đánh giá là nội dung quan trọng trong việc lựa chọn nhà thầu. Việc nhà thầu tư vấn không xây dựng được hồ sơ mời thầu có chất lượng là do năng lực của nhà thầu tư vấn có hạn. Luật quy định trong trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực lập hồ sơ mời thầu thì được sử dụng nhà thầu tư vấn, tư vấn trong nước không có khả năng thực hiện thì thuê tư vấn nước ngoài. Nếu biết là không đủ kinh nghiệm và năng lực mà vẫn làm chủ đầu tư, làm tư vấn thì lỗi này không thể là do… Luật Đấu thầu “chọn giá rẻ” được.
Đó là với vai trò lập pháp, nhưng với vai trò là hành pháp, người viết vẫn còn một chút gì đó băn khoăn bởi vì, dù biết chưa có phương án nào tối ưu hơn phương án “giá đánh giá thấp nhất” mà cả thế giới lẫn Việt Nam đang áp dụng từ trước tới nay, nhưng ở một mức độ nào đó phương án này “tiên tiến hơn, hiện đại hơn” so với thực trạng công tác đấu thầu của Việt Nam. Nói một cách khác, tiêu chí “giá đánh giá thấp nhất” không phải dành cho tất cả cán bộ làm công tác đấu thầu ở Việt Nam mà chỉ một số ít làm chủ được nó. Ở đất nước mà công tác đấu thầu trở thành đại trà do phân cấp mạnh thì việc một tiêu chí mang tính khoa học, tiên tiến mà chỉ một số ít vận dụng được có thể sẽ bị quy kết thành cái “tội” nếu như số đông cán bộ đấu thầu sử dụng tiêu chí này không hợp lý. Có lẽ, phải đợi đến khi chất lượng công tác tư vấn của Việt Nam cao bằng chất lượng của thế giới, “giá đánh giá thấp nhất” của Luật Đấu thầu mới thật sự phát huy hiệu quả.
Vậy còn trong giai đoạn hiện tại, liệu chúng ta có đủ “móng tay nhọn” để đối phó với “vỏ quýt dày” của nhà thầu nước ngoài kém chất lượng”? Kỳ 4 sẽ đi sâu phân tích điều này.
Xem tiếp kỳ 4