Góp ý xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Ghi nhận sự đột phá của Luật Đấu thầu

01/08/2014

Các dự án với sự tham gia của cộng đồng sẽ phát huy nội lực của các địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, nâng hiệu quả dự án cũng như giúp địa phương tích lũy kinh nghiệm trong đấu thầu, quản lý dự án, giám sát và vận hành dự án (Ảnh: Lê Tiên)

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương. Tinh thần này đã được cụ thể hóa một phần trong các quy định của Luật Đấu thầu 2013, theo hướng tạo điều kiện cho các chính quyền địa phương thực hiện những dự án quy mô nhỏ, các dự án có sự tham gia của cộng đồng.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu trong Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP) khu vực phía Nam do Bộ Nội vụ tổ chức tại TP.HCM.

Đề cao tính giám sát của các tổ chức đoàn thể

Theo đánh giá của Ban soạn thảo dự án Luật TCCQĐP, hoạt động giám sát tại các địa phương luôn được coi trọng khi xây dựng chính quyền. Cụ thể, trong các cuộc họp UBND luôn có đại diện của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tham dự. Và chính nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức trên mà UBND thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao cho địa phương, trong đó có đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thông qua Mặt trận Tổ quốc, UBND cấp xã chủ động tiếp nhận những kiến nghị, khiếu nại, thắc mắc của nhân dân trong quá trình điều hành quản lý. Từ đó, chính quyền sẽ có sự giải đáp, tuyên truyền, điều chỉnh, đồng thời rút kinh nghiệm cho hoạt động của mình.

Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã là chỗ dựa đáng tin cậy của UBND trong việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở hiện nay. Tuy nhiên, ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vẫn còn tồn tại việc phối hợp giữa UBND và các đoàn thể quần chúng chưa chặt chẽ, có thể nói là lỏng lẻo. Do đó, việc xây dựng dự án Luật TCCQĐP sẽ tăng tính giám sát của các đoàn thể theo hướng cụ thể, tích cực và hiệu quả hơn, tập trung vào các đoàn thể cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chia sẻ, hướng cải cách sắp tới là minh bạch trách nhiệm từng cán bộ, từng cơ quan. "Hiến pháp đã quy định tổ chức lại Luật Chính quyền địa phương, đảm bảo tính minh bạch, ai làm việc gì rõ việc đó, từng tập thể, cá nhân rõ ràng sẽ quy trách nhiệm. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương ở khu vực đặc thù sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả kinh tế, đầu tư, đồng thời tăng cường chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân, cũng như sự tham gia của các đoàn thể” –  Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Hữu Đức, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương thuộc Bộ Nội vụ nhận định, việc công khai, minh bạch và bảo đảm sự tham gia của cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương được đề cập rõ trong dự án Luật TCCQĐP, và đã được quy định tại một số Luật hiện hành nhằm góp phần tăng cường tính tự chủ của chính quyền địa phương, trong đó tại những địa bàn có tính chất đặc thù, nội dung này sẽ phát huy hiệu quả cao.

Cần những quy định cụ thể như Luật Đấu thầu 2013

Trao đổi tại Hội thảo, Ban soạn thảo Luật TCCQĐP đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu đến từ các địa phương đóng góp để có những ý kiến sát thực nhất. Đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay không có nhiều quy định nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động hơn trong công tác điều hành.

IMG

Trong Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương khu vực phía Nam do Bộ Nội vụ tổ chức tại TP.HCM, đại diện HĐND tỉnh Bình Phước phát biểu: “Để thực sự tăng tính chủ động, phân cấp, phân quyền cho chính quyền các địa phương, cần những quy định cụ thể và thiết thực như Luật Đấu thầu 2013” (Ảnh: LTT)

Trong bối cảnh đó,  Luật Đấu thầu năm 2013 có những  nội dung mới đột phá trong đó quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ, gói thầu có sự tham gia của cộng đồng. Nội dung này rất phù hợp với những nỗ lực xây dựng Luật TCCQĐP khi đã tạo điều kiện cho các địa phương ở khu vực đang thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình xóa đói giảm nghèo. Cụ thể là các huyện, xã miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn tự chủ hơn trong các quyết sách liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội.

Theo đại diện của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước, Luật Đấu thầu 2013 đã thực sự “cởi trói” cho nhiều địa phương có tính chất đặc thù khó khăn trong công tác sử dụng ngân sách cho đầu tư phát triển. “Để thực sự tăng tính chủ động, phân cấp, phân quyền cho chính quyền các địa phương, cần những quy định cụ thể và thiết thực như Luật Đấu thầu 2013. Các quy định của Luật này có tính ứng dụng vào đời sống rất cao, rất dễ thực hiện vì đã thể hiện được tinh thần công khai dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Các dự án với sự tham gia của cộng đồng sẽ phát huy nội lực của các địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, nâng hiệu quả dự án cũng như giúp địa phương tích lũy kinh nghiệm trong đấu thầu, quản lý dự án, giám sát và vận hành dự án _ Vị đại diện này nhận xét.

Nhiều ý kiến khác cũng đã đánh giá cao những nội dung mới của Luật Đấu thầu 2013, cho rằng Luật đã góp phần xây dựng chính quyền địa phương theo tiêu chí dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra. Đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ rõ hơn, tại Điều 67 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã quy định các thành phần tham gia nghiệm thu công trình hoàn thành bao gồm: Đại diện chủ đầu tư; Đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ thi công công trình; Đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi công trình; các thành phần có liên quan khác do chủ đầu tư quyết định.

Nếu thực hiện tốt những quy định về giám sát này, sẽ hạn chế tình trạng “giám sát qua chuyện” như lâu nay. “Khi người dân tự thấy mình có vai trò và có quyền lên tiếng để nâng cao chất lượng dự án triển khai tại địa phương, ý nghĩa của dự án có sự tham gia của cộng đồng địa phương mới thực sự đạt đúng tầm” _ Đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Đấu thầu - V.Huyền