Từ giá đánh giá đến quản lý hợp đồng (kỳ 5)

07/06/2011

KỲ 5
TỪ GIÁ ĐÁNH GIÁ ĐẾN QUẢN LÝ HỢP ĐỒNG
ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM
Như kỳ 4 đã phân tích, để lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây lắp có chất lượng tốt, giá thành phù hợp, trước tiên phải đưa ra được những rào cản kỹ thuật, yêu cầu về kỹ thuật cao để loại nhà thầu kém chất lượng, đưa ra được công thức xác định giá đánh giá phù hợp để lựa chọn được nhà thầu tối ưu trong số các nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật. Ngoài ra, một điều kiện quan trọng không kém là phải có tổ chuyên gia, tư vấn đấu thầu giỏi chuyên môn, có năng lực, kinh nghiệm để đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).
Khi đánh giá HSDT, tổ chuyên gia, tư vấn đấu thầu thường “cân đong đo đếm” từng tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật… được kê khai trong HSDT của nhà thầu. Bởi vì, những thông số như công suất tinh hay sản lượng điện thương phẩm… trong các HSDT đều đóng góp cho sự thành bại của một nhà thầu trong một cuộc thầu. Ở nhiều gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng cấu thành một yếu tố quan trọng trong việc xác định giá đánh giá. Khi đó, việc rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng 30 ngày được quy về một khoản tiền mà nhà thầu làm lợi cho chủ đầu tư và được trừ từ giá dự thầu của nhà thầu để xác định giá đánh giá. Tương tự như vậy, việc nhà thầu đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài hơn, dù chỉ một ngày, so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) cũng được coi là bất lợi cho nhà thầu khi một ngày chậm bàn giao công trình được quy đổi với một khoản tiền nhất định để cộng vào giá đánh giá.
Khi chấm thầu, từng thông số, từng đề xuất của nhà thầu đều được xem xét rất kỹ, người ta “cân đong đo đếm” từng thời gian thực hiện hợp đồng, từng hiệu suất, chi phí… Nếu nhìn vào thực trạng tình hình thực hiện hợp đồng EPC nhiệt điện đốt than gần đây thì có thể thấy rằng, trong khi chấm thầu, chủ đầu tư, tư vấn chặt chẽ bao nhiêu thì khi thực hiện hợp đồng lại “thoáng” bấy nhiêu. Liệu có bao nhiêu chủ đầu tư nhìn lại cả quá trình để thấy bức tranh tương phản trong và sau cuộc đấu thầu rằng, khi đánh giá HSDT, sở dĩ nhà thầu X được trúng thầu là vì họ đưa ra đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng là 3 năm, còn bây giờ đã hơn 5 năm mà nhà thầu này vẫn chưa bàn giao công trình. Nếu như ngay từ ban đầu, ở giai đoạn tham dự thầu, nhà thầu đề xuất kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng thêm 2 năm thì chắc chắn giá đánh giá của nhà thầu này đã thành một con số cực kỳ khổng lồ và cơ hội trúng thầu là con số không tròn trĩnh. Liệu có bao nhiêu chủ đầu tư xem xét kỹ các yếu tố vốn đã từng góp phần vào thành công của nhà thầu như công suất, hiệu suất… của “ngày ấy” và của “bây giờ”, có khác nhau nhiều không và tại sao lại có sự khác nhau như thế và phải có giải pháp gì?
Suy cho cùng, mọi đề xuất của nhà thầu thể hiện trên HSDT đều là thông tin… trên giấy. Nhưng để những thông tin trên giấy đó biến thành công trình, nhà máy trên thực tế như HSDT đã vẽ nên thì hợp đồng và quản lý hợp đồng là nội dung quan trọng nhất. Tiếc thay, đây lại là khâu yếu nhất trong công tác thực hiện dự án hiện nay của Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến chất lượng hợp đồng. Khác với doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quen với việc hợp đồng và các tài liệu đi kèm (HSMT, HSDT…) là căn cứ duy nhất về mặt pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của các bên. So với chủ đầu tư, nhà thầu Việt Nam có vẻ có vị thế “yếu hơn” vì ít khi có nhà thầu nào “dám” đâm đơn kiện chủ đầu tư ra tòa. Khi có vấn đề nào đó phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên thường “dĩ hòa vi quý”, xí xóa, bỏ qua cho nhau. Rất ít trường hợp chủ đầu tư phạt hợp đồng nhà thầu Việt Nam vì chất lượng kém hay chậm trễ thực hiện hợp đồng. Với những vấn đề không thương lượng, hòa giải được, thay vì đưa vấn đề ra trọng tài hoặc tòa án như quy định trong hợp đồng, chủ đầu tư và nhà thầu Việt Nam lại gửi đơn đến các cơ quan quản lý nhà nước nhờ xử lý, mà rõ ràng cơ quan quản lý nhà nước không có chức năng và thẩm quyền giải quyết những vấn đề phát sinh trong mối quan hệ dân sự thông qua hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Vì thế, hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu Việt Nam thường sơ sài, các nội dung thiếu chi tiết, cụ thể. Các vấn đề phát sinh không thể dựa vào những câu chữ sơ sài trong hợp đồng thì đã có… cơ quan quản lý nhà nước để dựa vào.
Trái với nhà thầu Việt Nam, nhà thầu nước ngoài thường tìm cách đưa vào hợp đồng những nội dung có lợi cho họ. Chủ đầu tư phía Việt Nam vốn quen với cách làm “dĩ hòa vi quý” trở nên yếu thế so với nhà thầu nước ngoài. “Bút sa gà chết”, một khi hợp đồng đã ký kết thì chủ đầu tư phía Việt Nam không thể không thực hiện, cũng không thể cầu cứu cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vì việc can thiệp hành chính như vậy là trái với luật pháp của Việt Nam và thế giới. Đơn cử ví dụ, hợp đồng giữa chủ đầu tư là Công ty Nhiệt điện Hải Phòng với nhà thầu liên danh Đông Phương+Marubeni để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 quy định, nhà thầu phải thu xếp hợp đồng tín dụng với ngân hàng (nhà thầu phải thu xếp vốn để thực hiện gói thầu). Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu được ký kết vào năm 2006, có hiệu lực từ ngày 4/7/2007. Nhà thầu thực hiện theo đúng hợp đồng là thu xếp hợp đồng tín dụng với Ngân hàng China Eximbank. Hợp đồng tín dụng được ký vào ngày 12/6/2007.
Tuy nhiên, thời gian có hiệu lực giải ngân trong hợp đồng tín dụng này là từ ngày 9/7/2010, tức là 3 năm sau kể từ ngày hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu có hiệu lực và hợp đồng tín dụng được ký kết. Hậu quả là mặc dù thời gian bàn giao công trình quy định trong hợp đồng là 38 tháng, cho đến nay đã hết 38 tháng mà công trình hầu như chưa được chính thức thi công vì thiếu vốn. Sự thiếu chi tiết trong điều khoản về việc thu xếp vốn của nhà thầu, cụ thể là thời gian giải ngân của hợp đồng tín dụng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ thực hiện hợp đồng của nhà thầu, gây thiệt hại không nhỏ cho chủ đầu tư và Nhà nước.
Một ví dụ khác là về hợp đồng trong ngành giao thông ký giữa chủ đầu tư phía Việt Nam và nhà thầu Nhật Bản. Hợp đồng được thực hiện theo hình thức hợp đồng theo đơn giá (hợp đồng điều chỉnh giá), được thanh toán bằng hai loại đồng tiền: Đồng Việt Nam và Yên Nhật. Giá hợp đồng được điều chỉnh theo công thức điều chỉnh giá quy định trong hợp đồng. Đến khi thanh toán hợp đồng, chủ đầu tư mới tá hỏa khi phát hiện ra rằng, nhà thầu có cách hiểu hoàn toàn khác với chủ đầu tư về điều chỉnh giá hợp đồng. Chủ đầu tư phía Việt Nam đinh ninh rằng, việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ áp dụng đối với phần công việc được thanh toán bằng đồng tiền Việt Nam.
Trong khi đó, nhà thầu Nhật Bản thì khẳng định, việc điều chỉnh giá hợp đồng áp dụng cho cả phần công việc thanh toán bằng Yên Nhật. Sự không rõ ràng về điều khoản điều chỉnh giá hợp đồng là nguyên nhân khiến mỗi bên lý giải hợp đồng theo cách có lợi cho mình. Cho đến thời điểm này, tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu nước ngoài vẫn chưa ngã ngũ nên chưa rõ phía chủ đầu tư Việt Nam có phải “trả giá” cho một phút “bút sa gà chết” hay không.
Chất lượng của hợp đồng chưa cao, tuy nhiên, quản lý hợp đồng mới phát sinh nhiều vấn đề. Trong các dự án nhiệt điện xảy ra rất nhiều trường hợp như: nhà thầu nước ngoài thay đổi xuất xứ vật tư, vật liệu so với đề xuất trong HSDT, đưa thiết bị có xuất xứ không rõ ràng, thời gian khắc phục sự cố xảy ra với các thiết bị phụ trợ quá lâu… Nhà thầu chậm khắc sự cố, chậm bàn giao công trình, chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa nhưng cũng chẳng làm được gì hơn ngoài việc thường xuyên thúc giục nhà thầu. Tại sao không phạt hợp đồng, phạt cả về chậm tiến độ thực hiện hợp đồng lẫn chất lượng kém? Dư luận đâu đó thậm chí còn đặt nghi vấn với tính công tâm của chủ đầu tư rằng, nhà thầu nước ngoài “chi đẹp” nên chủ đầu tư đành nhắm mắt làm ngơ…
Dư luận đâu biết rằng, trên thực tế, để phạt nhà thầu nước ngoài chẳng dễ chút nào. Nhà thầu nước ngoài có lỗi trong việc chậm thực hiện hợp đồng nhưng chủ đầu tư cũng góp phần vào việc chậm trễ đó như bàn giao mặt bằng chậm, ứng vốn chậm, không bố trí được điện lưới phù hợp để hòa điện… Có dự án chủ đầu tư chậm bàn giao một phần mặt bằng đến 17 tháng, dĩ nhiên việc chậm bàn giao một phần mặt bằng này không ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện hợp đồng của nhà thầu vì nhà thầu không thể cùng một lúc thực hiện tất cả các công đoạn trên cả mặt bằng.
Tuy nhiên, nhà thầu nước ngoài luôn “viện cớ” việc chậm bàn giao mặt bằng 17 tháng khiến tiến độ của nhà thầu bị ảnh hưởng nặng nề. Có dự án nhà thầu nước ngoài lấy lý do là do nhà thầu phụ Việt Nam thi công chậm khiến tiến độ chung bị ảnh hưởng. Có những dự án có vấn đề phát sinh, chủ đầu tư phải tham khảo ý kiến tư vấn của các cơ quan quản lý nhà nước và điều này làm cho việc thực hiện hợp đồng bị gián đoạn. Nếu chủ đầu tư nhanh chóng, chủ động xử lý tình huống thì sẽ giảm bớt lỗi của chủ đầu tư trong việc thực hiện hợp đồng. Phạt hợp đồng, vì vậy, mất rất nhiều thời gian đàm phán để tách bạch đâu là lỗi của chủ đầu tư, đâu là lỗi do bất khả kháng và đâu là lỗi của nhà thầu. Hủy hợp đồng ư? Càng khó. Nhà thầu đang làm dở dang, biết có nhà thầu nào vào tiếp tục công việc dở dang đó? Chất lượng công trình ai chịu trách nhiệm? Khối lượng công việc hoàn thành là bao nhiêu để thanh toán? Chất lượng thiết bị kém, hay bị hỏng hóc phải xử lý ra sao… Chủ đầu tư phía Việt Nam nhiều trường hợp rơi vào thế bị động, lúng túng. Có trường hợp chủ đầu tư còn nghi ngờ tư vấn giám sát do chủ đầu tư thuê thông đồng với nhà thầu nước ngoài…
Trong công tác quản lý hợp đồng, có lẽ chủ đầu tư cần kiên quyết hơn, chủ động hơn trong việc xử lý sai phạm của nhà thầu. Phạt hợp đồng không dễ, tuy nhiên không phải là không thực hiện được, nếu cần thiết thì đưa ra trọng tài hoặc tòa án để xử lý. Hợp đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương là một ví dụ. Tập đoàn này đã phạt nhà thầu Marubeni do chậm bàn giao công trình khoảng 13 triệu USD. Ngoài việc phạt hợp đồng, chủ đầu tư cũng cần xem xét kiến nghị lên cấp cao hơn để xử lý nhà thầu nước ngoài như cảnh cáo, đưa vào danh sách đen và đăng tải trên trang thông tin điện tử muasamcong.mpi.gov.vn.
Từ những thông số kỹ thuật mà nhà thầu kê khai trong HSDT, các yếu tố xác định giá đánh giá, chủ đầu tư cần liên hệ mật thiết với việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu nước ngoài để những “cân đong đo đếm” của tư vấn và chủ đầu tư trong quá trình đánh giá HSDT không vô ích. 1 MW thiếu hụt trong công suất thực tế so với đề xuất trong HSDT cũng cần được tính toán ra số tiền thiệt hại tương ứng. Một vấn đề cũng quan trọng không kém là mối liên hệ từ HSDT đến quản lý hợp đồng sẽ giúp chủ đầu tư xác định liệu có phải nhà thầu cố tình kê khai sai sự thật để giành hợp đồng hay không. Gian lận để trúng thầu sẽ bị trả giá rất đắt với việc bị cấm tham gia đấu thầu trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong vòng 1 - 3 năm theo quy định tại Điều 75 Luật Đấu thầu. Chủ đầu tư là đơn vị hiểu nhà thầu nhất, do vậy cũng cần nhận thức được trách nhiệm lớn lao của mình trong việc giúp đất nước loại bỏ những nhà thầu nước ngoài gian lận và kém chất lượng.
Xem tiếp kỳ 6

Theo dòng sự kiện