Phổ biến Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư công

11/08/2014

Ông  Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu giới thiệu các nội dung chính của Luật Đấu thầu 2013 tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Lê Tiên)

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 8/8, dưới sự chủ trì của Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư thực hiện phổ biến các nội dung chính của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu 2013), Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; phổ biến các nội dung chính của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và giới thiệu Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Giới thiệu các nội dung chính của Luật Đấu thầu 2013, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng cho biết, Luật gồm 13 chương với 96 điều được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu 2005, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009. Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, Luật Đấu thầu 2005 hết hiệu lực thi hành, đồng thời bãi bỏ Mục 1, Chương VI Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 và Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12.

Về Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, ông Lê Văn Tăng cho biết, ngày 26/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Nghị định này gồm 15 chương với 130 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2014 và thay thế Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, Nghị định số 68/2012/NĐ-CP ngày 12/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP và Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 9/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

IMG

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh:

Gần 10 năm Bộ KH&ĐT mới tổ chức một hội nghị chuyên đề như thế này, với những nội dung hết sức quan trọng, cấp thiết với quốc gia và các địa phương. Những nội dung này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh, ngoại giao của nước ta trong 5 năm tới; hướng dẫn các địa phương viết văn bản Đại hội Đảng các cấp, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Về vĩ mô, chúng ta muốn thông báo đến toàn quốc tư tưởng đổi mới trong thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, để Việt Nam có thể vượt lên, mỗi tỉnh, thành vượt lên chính mình để phát triển lâu dài.

















Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Việc ban hành Luật Đấu thầu 2013 cũng như Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nhằm xây dựng pháp luật chung, pháp điển hóa các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau quy định về hoạt động đấu thầu, khắc phục những mâu thuẫn chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực và bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật.

 

IMG

Ông  Bùi Hà - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT giới thiệu các nội dung chính của Luật đầu tư công tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Lê Tiên)

Phổ biến các nội dung chính của Luật Đầu tư công, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT Bùi Hà cho biết, nhằm tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tại Kỳ họp thứ 7, ngày 18/6/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13. Luật được kết cấu thành 6 chương với 108 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công thuộc đối tượng áp dụng của Luật.
Nội dung đổi mới quan trọng của Luật Đầu tư công là thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Luật cũng quy định rõ tiêu chí xác định, phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định các dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện đầu tư công hiệu quả. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm và các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân, cũng như người đứng đầu các tổ chức, cơ quan có liên quan đến quản lý đầu tư công. 
Giới thiệu Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, báo cáo xin ý kiến về dự thảo Nghị định của Bộ KH&ĐT cho biết, một trong những nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công là đổi mới căn bản công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây là điểm đổi mới rất quan trọng trong quản lý đầu tư công và phù hợp thông lệ quốc tế. Luật Đầu tư công đã dành một chương để quy định cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công, bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm. 

Để triển khai Luật Đầu tư công đạt hiệu quả cao, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã thành lập Ban soạn thảo và chủ trì tổ chức, nghiên cứu xây dựng Nghị định về Kế hoạch đầu tư công cho trung hạn và hàng năm. Việc ban hành Nghị định này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương triển khai việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được thực hiện đúng thời gian và tuân thủ những quy định mới trong Luật Đầu tư công.

Nguồn: Báo Đấu thầu - Quang Minh