EPC, EP+C và nhà thầu phụ đặc biệt (kỳ 6)

07/06/2011

KỲ 6
EPC, EP+C VÀ NHÀ THẦU PHỤ ĐẶC BIỆT
Với tình hình thực hiện hợp đồng EPC như đã nêu ở các kỳ trước, liệu có giải pháp nào cho chủ đầu tư Việt Nam loại bỏ nhà thầu nước ngoài kém chất lượng? Muốn giải quyết vấn đề này, có lẽ nên bắt đầu đi từ gốc rễ của vấn đề. Đó là các vấn đề liên quan đến tổng mức đầu tư và dự toán, hay là vấn đề liên quan đến “tiền”. Trước khi phán xét về “của” thì cần xem xét về “tiền”, phải biết “tiền” được bao nhiêu mới có thể xác định “của” có xứng đáng với đồng tiền bỏ ra không. Tuy nhiên, bài viết này không có tham vọng đi sâu phân tích giải pháp về “tiền”, vì những vấn đề như: giá điện, cách lập tổng mức đầu tư, dự toán, nguồn vốn đầu tư… là những vấn đề lớn, ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề và đời sống dân cư mà không thể đưa ra đối sách để thực hiện một sớm một chiều.
Vì vậy, bài viết này tập trung vào giải pháp trước mắt: đó là có thể tách phần xây dựng, lắp đặt (C) trong gói thầu EPC thành một gói thầu riêng được hay không? Nếu có thể tách phần xây dựng, lắp đặt trong gói thầu EPC thành một gói thầu riêng để tổ chức đấu thầu trong nước thì những vấn đề như: nhà thầu nước ngoài đưa lao động phổ thông vào trong nước sẽ được hạn chế tới mức thấp nhất. Theo đó, những hậu quả liên quan của việc đưa lao động phổ thông vào Việt Nam cũng không còn, người lao động Việt Nam có thêm cơ hội việc làm và doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để nâng cao trình độ kỹ thuật và sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, với năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu Việt Nam hiện tại, việc tách gói thầu EPC thành hai, thậm chí ba gói thầu như EP+C hay E+P+C… trong ngành nhiệt điện đốt than liệu có khả thi?
Việc tách phần xây dựng trong gói thầu EPC thành một gói thầu riêng để tổ chức đấu thầu trong nước đang được thực hiện ở một số ngành như: xi măng, thủy điện… Ở gói thầu EPC nhiệt điện đốt than, phần C là phần xây dựng và lắp đặt như: xây dựng nhà máy chính, các hạng mục chính (nhà năng lượng, lò hơi, nhà điều khiển trung tâm, khu khử bụi tĩnh điện…), xây dựng và lắp đặt thiết bị cho các hạng mục phụ trợ (kho than khô, ống khói, hệ thống cấp than, hệ thống cung cấp đá vôi, đường ô tô trong và ngoài nhà máy…). Tại các dự án này, nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện các công việc như là xây dựng nhà phục vụ chung, đường ô tô trong và ngoài nhà máy, hàng rào, kênh nhận nước tuần hoàn, bãi xỉ… (vốn được nhà thầu phụ Trung Quốc thực hiện ở một số dự án).
Cho đến nay, trong ngành nhiệt điện đốt than, chỉ có duy nhất Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là nhà thầu Việt Nam đã từng thực hiện gói thầu EPC (xây dựng các nhà máy: Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Nhiệt điện Vũng Áng). Ngoại trừ nhà thầu LILAMA, theo Lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nhìn chung, năng lực của nhà thầu trong nước chưa đủ để đảm nhận toàn bộ công việc xây dựng và lắp đặt trong gói thầu EPC nhiệt điện đốt than, bao gồm việc xây dựng và lắp đặt các hạng mục chính và hạng mục phụ trợ. Điển hình là gói thầu EPC xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn. Chủ đầu tư là Tập đoàn TKV đã mời hai nhà thầu phụ của Việt Nam là Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng thực hiện công việc lắp đặt. Tuy nhiên, việc công trình chậm bàn giao có sự đóng góp của… hai nhà thầu phụ Việt Nam. So với nhà thầu nước ngoài là Công ty Công trình điện Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc, hai nhà thầu phụ Việt Nam không những có kinh nghiệm ít hơn mà trình độ kỹ thuật, kỹ năng, tay nghề cũng kém hơn. Điều này đã làm ảnh hưởng tới tiến độ chung thi công xây dựng công trình.
Một e ngại khác từ phía chủ đầu tư khi tách phần C ra khỏi gói thầu EPC là trình độ, năng lực quản lý của chủ đầu tư. Lãnh đạo một công ty con của một tập đoàn (hiện là chủ đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện đốt than) thẳng thắn bày tỏ sự quan ngại rằng, bộ máy nhân sự, năng lực quản lý của công ty ông khó có thể đáp ứng được việc tách gói thầu xây dựng và lắp đặt ra khỏi gói thầu EPC. Việc tách phần C ra khỏi gói thầu EPC đòi hỏi chủ đầu tư phải chuyên nghiệp trong khâu tổ chức đấu thầu để việc lựa chọn được nhà thầu C đảm bảo đúng tiến độ thực hiện dự án, tránh trường hợp nhà thầu EP đã thực hiện phần lớn khối lượng công việc của mình mà nhà thầu C thì chưa chọn được. Chủ đầu tư cũng cần chuyên nghiệp trong quản lý hợp đồng nhằm phối hợp phần công việc giữa các nhà thầu EP và nhà thầu C, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các nhà thầu này. Ngoài ra, việc chuyên nghiệp trong quản lý hợp đồng của chủ đầu tư cũng nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu này (như chậm giao thiết bị) làm ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu kia.
Với đòi hỏi năng lực quản lý và trách nhiệm của chủ đầu tư trong gói thầu EP+C cao hơn so với gói thầu EPC, sự quan ngại của chủ đầu tư không phải là không có cơ sở. Ở cấp Tập đoàn làm chủ đầu tư, với kinh nghiệm quản lý nhiều năm và quy tụ đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, việc quản lý gói thầu EP+C không phải là quá khó. Thực tế ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã có nhiều dự án được tách phần công việc xây dựng và lắp đặt riêng để đấu thầu trong nước.
Tuy nhiên, ở cấp các doanh nghiệp liên kết, công ty con của Tập đoàn, tách C ra khỏi EPC không dễ dàng như vậy. Vì vậy, đối với gói thầu nhiệt điện đốt than đấu thầu quốc tế, Chính phủ nên giao cho các Tập đoàn làm chủ đầu tư, hoặc ít nhất cần có một cơ chế phối hợp giữa Tập đoàn và công ty con để làm chủ đầu tư nhằm tận dụng kinh nghiệm, năng lực của Tập đoàn, từ đó dần dần có thể tách C thành một gói thầu riêng đấu thầu trong nước. Ngoài ra, cũng nên nâng cao vai trò và trách nhiệm của tư vấn quản lý dự án, đấu thầu trong việc giúp chủ đầu tư thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu và quản lý hợp đồng.
Như đã phân tích ở trên, với năng lực của nhà thầu Việt Nam và chủ đầu tư hiện nay, trong giai đoạn trước mắt, khó có thể tách ngay phần công việc xây dựng và lắp đặt ra khỏi gói thầu EPC đối với tất cả dự án nhiệt điện đốt than mà chỉ thực hiện được điều này trong một số dự án. Điều này phải chăng có nghĩa là với số dự án nhiệt điện đốt than còn lại, Việt Nam vẫn tiếp tục phải chấp nhận tình trạng “vỏ quýt dày thiếu móng tay nhọn”, lao động phổ thông nước ngoài vẫn tiếp tục tràn vào lãnh thổ Việt Nam?
Để giải quyết tình trạng này, một số ý kiến cho rằng, cần quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu là nhà thầu nước ngoài phải sử dụng nhà thầu phụ xây dựng và lắp đặt Việt Nam. Khoản 2 Điều 65 Nghị định 85/2009/NĐ-CP cũng đưa ra quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân “không quy định trong hồ sơ mời thầu, hợp đồng về việc cấm sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước đáp ứng yêu cầu của gói thầu”.
Tuy nhiên, những quy định nêu trên rất dễ mang tính “hình thức” vì nhà thầu nước ngoài có thể dễ dàng “lách” các quy định này. Những phần công việc mà nhà thầu phụ Việt Nam có thể đảm nhận được thì nhà thầu nước ngoài chào với giá rất thấp. Hậu quả là khó có nhà thầu Việt Nam nào đảm đương nổi công việc này, cuối cùng những công việc đó lại rơi vào tay nhà thầu phụ nước ngoài mà chủ đầu tư đành phải ngầm chấp nhận để đảm bảo tiến độ dự án. Có trường hợp như tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả, nhà thầu phụ Việt Nam đã ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài nhưng chỉ xây dựng dở dang một phần công trình vì còn phải “bỏ của chạy lấy người” do giá ký hợp đồng quá thấp.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà quản lý có lẽ nên nghiên cứu đưa điều khoản “nhà thầu phụ đặc biệt” trong các gói thầu EPC đấu thầu quốc tế (hoặc chỉ định thầu) mà các gói thầu này chưa thể tách phần C. Khác với nhà thầu phụ thông thường do nhà thầu chính xác định, đối với nhà thầu phụ đặc biệt, chủ đầu tư được quyền chỉ định. Để tránh trường hợp nhà thầu nước ngoài chào giá thấp cho phần công việc mà nhà thầu Việt Nam có thể đảm nhận được, chủ đầu tư có thể giành quyền xác định giá trị phần công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt mà nhà thầu nước ngoài phải ký hợp đồng với nhà thầu phụ đặc biệt theo mức giá đó (Trong Điều kiện Hợp đồng cho các dự án EPC/chìa khóa trao tay xuất bản năm 1999 của Hiệp hội Kỹ sư tư vấn quốc tế FIDIC không quy định rõ về cách thức thanh toán cho nhà thầu phụ đặc biệt, chủ đầu tư có thể quy định chi tiết phù hợp với các điều kiện ở Việt Nam).
Để làm được điều này, không chỉ trong hồ sơ mời thầu, mà thậm chí trong cả Hiệp định vay vốn với nhà tài trợ cũng phải đưa ra quy định về nhà thầu phụ đặc biệt. Giải pháp này, trong bối cảnh chưa thể ngay lập tức tách được phần C trong tất cả gói thầu EPC hiện nay nhưng sẽ góp phần hạn chế được sự tham gia của nhà thầu phụ nước ngoài và lao động phổ thông nước ngoài trong các dự án ở Việt Nam.

Theo dòng sự kiện