Đấu giá ngược điện tử - một phương thức hay trong đấu thầu

19/08/2014

Đấu giá ngược điện tử sẽ rút ngắn thời gian và giảm giá, thường được áp dụng cho các gói thầu chỉ tập trung đến yếu tố giá cả Ảnh: Lê Tiên

Ngày nay, đấu thầu điện tử là phương thức đấu thầu khá phổ biến được sử dụng ở nhiều quốc gia bởi những lợi ích và tính năng giúp nâng cao hiệu quả mua sắm công như: nhanh gọn, tiết kiệm chi phí, công khai thông tin, tăng trách nhiệm giải trình… Đấu giá ngược điện tử chính là một trong các phương thức đấu thầu điện tử được đánh giá cao.

Thế nào là đấu giá ngược điện tử?

Đây là một khái niệm khá mới mẻ được ông Daniel I. Gordon – Phó Trưởng khoa Nghiên cứu Luật Mua sắm chính phủ thuộc Đại học Geoge Washington (Hoa Kỳ)  giới thiệu tại Hội thảo Sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả trong đấu thầu, được tổ chức mới đây tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức.

Theo ông Daniel I. Gordon, đấu giá ngược điện tử (ĐGNĐT) là một cuộc cạnh tranh giá cả được tiến hành trên mạng Internet giữa các nhà thầu để đấu giá thấp xuống. Phương thức này không giống với một phiên đấu giá thông thường. Thông thường, chủ thể của đấu giá là người bán, nên giá càng cao càng tốt; còn chủ thể của đấu giá ngược là người mua, nên giá càng thấp càng tốt. Trên thế giới, phương thức ĐGNĐT được sử dụng rất phổ biến tại nhiều quốc gia như: Chile, Brazil, Nga… và được xem như là một cách thức để giảm giá hàng hóa hiệu quả thông qua sự cạnh tranh giữa các nhà thầu. 

IMG

Đấu giá ngược điện tử là một cuộc cạnh tranh giá cả được tiến hành trên mạng Internet giữa các nhà thầu để đấu giá thấp xuống Ảnh: LTT

Về quy trình ĐGNĐT, ông Daniel I. Gordon mô tả: giả sử đơn vị mua sắm tập trung (ĐVMSTT) cần mua 100 máy tính và có một danh sách các nhà thầu cung cấp đã ký hợp đồng khung. Vào 8h sáng, ĐVMSTT sẽ gửi thư điện tử (email) thông báo cho các nhà thầu đó biết nhu cầu mua máy tính của mình. Nhà thầu nào muốn tham dự sẽ sử dụng mã số đã đăng ký để đăng nhập vào mục đấu giá ngược trên Hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia. Vào 14h cùng ngày, phiên ĐGNĐT được tổ chức. Khi mở ĐGNĐT, ĐVMSTT sẽ đưa ra mức giá tối đa là 50.000 USD. Trên Hệ thống, có nhà thầu chào 49.000 USD, có nhà thầu lại chào 32.000 USD… Các nhà thầu cung cấp có thể nhìn thấy các mức giá chào, nhưng không thể biết là nhà thầu nào chào. Như vậy, các nhà thầu sẽ cạnh tranh để giảm giá. Trong thông báo mời tham gia ĐGNĐT, ĐVMSTT sẽ quy định thời hạn kết thúc phiên đấu giá ngược. Chẳng hạn, đến 15h kết thúc thì bên mời thầu sẽ chọn mức giá chào thấp nhất và chờ thêm 60 giây tiếp theo, nếu không có giá chào nào khác thì nhà thầu đó sẽ được chọn thắng thầu. Quá trình ĐGNĐT không giới hạn nhà thầu chào nhiều lần nhằm có được mức giá thấp nhất.

Trên thế giới, một số quốc gia rất ưa chuộng phương thức ĐGNĐT này. Tuy nhiên, không có phương pháp nào là tốt nhất, áp dụng được cho tất cả các lĩnh vực. Theo quan điểm của ông Daniel I. Gordon, ĐGNĐT chỉ nên áp dụng cho các gói thầu chỉ tập trung đến yếu tố giá cả, chứ không nên áp dụng cho gói thầu cần đánh giá cả yếu tố phi giá cả, vì sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian, trong khi đó mục đích chính của ĐGNĐT là rút ngắn thời gian và giảm giá.

Kinh nghiệm áp dụng đấu giá ngược điện tử

Vậy, phương thức này nên áp dụng cho lĩnh vực nào và để mua cái gì? Trả lời câu hỏi này, ông Daniel I. Gordon cho rằng, ĐGNĐT phù hợp nhất khi tổ chức mua sắm tập trung hàng hóa thương phẩm, hàng hóa tiêu dùng, nhu yếu phẩm văn phòng. Bởi vì, theo ông Daniel I. Gordon, những lĩnh vực này thường có nhiều nhà cung cấp, sản phẩm sẵn có trên thị trường. Tuy nhiên, phương thức này lại không phù hợp với mua sắm dịch vụ, trừ một số dịch vụ thương mại đơn giản như giao hàng qua đêm.

Trước khi tiến hành ĐGNĐT, ĐVMSTT phải có quy trình để kiểm tra năng lực tài chính và kỹ thuật, kinh nghiệm, khả năng cung cấp của những nhà thầu tham gia phiên ĐGNĐT này. Do đó, ĐGNĐT có mối quan hệ chặt chẽ với hợp đồng khung, nếu không có hợp đồng khung thì rất khó áp dụng, sẽ mất thời gian đánh giá lại năng lực của các nhà thầu. Hiệu lực của một hợp đồng khung thông thường là từ 3 - 5 năm. Việc sử dụng hợp đồng khung cho phép quá trình mua sắm nhanh, đơn giản và hiệu quả hơn quy trình thông thường. Nếu nhà thầu không tham gia hợp đồng khung thì không được tham gia ĐGNĐT. Và nếu nhà thầu vi phạm bị cấm tham gia đấu thầu thì sẽ bị loại khỏi hợp đồng khung.

“Đây là một trong những kinh nghiệm hay trong đấu thầu của các nước”, bà Nguyễn Thị Diệu Phương – Trưởng phòng Chính sách đấu thầu (thuộc Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá. Thực tế ở Việt Nam, mua sắm tập trung và đấu thầu qua mạng không phải là một nội dung mới, mà đã được thử nghiệm từ năm 2009 và được đưa vào Luật Đấu thầu 2013. Luật Đấu thầu 2013 quy định, mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp sẽ cử ra đơn vị phụ trách mua sắm tập trung cho cả tổ chức đó. Trường hợp ĐVMSTT không đủ năng lực thì có thể thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.

Cũng theo Luật Đấu thầu 2013, việc “mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách sau đây: a) Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ; b) Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận khung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đơn vị có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ” (Khoản 3 Điều 44). Thời hạn cho việc sử dụng thỏa thuận khung được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không được quy định quá 3 năm. Những hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm tập trung là những hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự, được sử dụng tại nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư. Theo thống kê đến ngày 6/8/2014, Việt Nam có hơn 1.400 gói thầu được tổ chức đấu thầu điện tử. Kết hợp mua sắm tập trung với đấu thầu điện tử để tăng hiệu quả của hoạt động mua sắm đã được cụ thể hóa tại Khoản 3 Điều 68 về nguyên tắc trong mua sắm tập trung của Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, đây là phương thức thực hiện khá mới mẻ ở Việt Nam, nên cần được thực hiện theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.

“Với những quy định được đút kết từ thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Luật Đấu thầu 2013 đã đạt được những tiến bộ vượt bậc”, ông Daniel I. Gordon nhận định. Trong thời gian tới, ông Daniel I. Gordon khuyến nghị, ĐVMSTT có thể áp dụng thành tựu công nghệ thông tin, nhất là phương thức ĐGNĐT trong mua sắm tập trung nhằm nâng cao hiệu quả mua sắm công.

Nguồn: Báo Đấu thầu - Bích Thủy