Tận dụng ưu đãi của Luật Đấu thầu để khuyến khích dùng hàng nội

21/08/2014

Dư địa mở rộng tiêu thụ hàng hóa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên thị trường trong nước còn rất lớn, nhất là khi các tập đoàn, tổng công ty dần khắc phục những hạn chế về chất lượng sản phẩm hàng hóa Ảnh: Lê Tiên

“Vẫn còn tình trạng lãnh đạo các tập đoàn (TĐ), tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư các dự án ngại tách các phần công việc để thành gói thầu phù hợp với năng lực của nhà thầu trong nước có thể làm được. Vì thế, chúng ta đã bỏ lỡ không ít cơ hội cho hàng hóa trong nước…”.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa phát biểu tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 2 năm thực hiện “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty  trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chuyển biến tâm lý mua sắm

Theo đại diện Bộ Công Thương, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Thỏa thuận về ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa 16 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) trực thuộc Bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các đơn vị đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của lãnh đạo, nhân viên về mục đích,  ý nghĩa của Thỏa thuận; thường xuyên rà soát vật tư, phụ liệu, phụ tùng, thiết bị và hàng hóa, dịch vụ hiện đang sử dụng; xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất; chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại…

Đến nay, nhiều hợp đồng giữa các TĐ, TCT thuộc Bộ Công Thương đã được ký kết với tổng giá trị khoảng 71.000 tỷ đồng (chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu). Nổi bật phải kể đến là kết quả tiêu thụ máy thiết bị điện (khoảng 4.164,4 tỷ đồng); thép xây dựng (5.200 tỷ đồng); giấy in ram và giấy copy (165 tỷ đồng)… Hơn nữa, tính lan tỏa của các thỏa thuận này cũng mở rộng thêm với các TĐ, TCT không thuộc Bộ Công Thương. Xét riêng trong giai đoạn 2012 - 2014, không ít hợp đồng với các công ty, đơn vị sản xuất trong nước đối với nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa đã được ký kết. 

IMG

Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của các TĐ, TCT ngày càng tăng cao. Đơn cử như: tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của EVN trong năm 2012 đạt 42% trên tổng giá trị máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, với giá trị 35.391,7 tỷ đồng và năm 2013 đạt tỷ lệ gần 50%... Nhờ đó, tỷ lệ hàng hóa trong nước được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách của nhiều TĐ, TCT ngày một tăng cao.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết: Việc thực hiện Thỏa thuận giữa các TĐ, TCT đã góp phần giảm tình hình tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng thị phần tại thị trường trong nước. Theo Báo cáo đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Thỏa thuận giữa các TĐ, TCT trực thuộc Bộ Công Thương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau thì: “Trước khi Thỏa thuận được ký kết, đến thời điểm ngày 1/9/2012, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, đến 1/12/2012, chỉ số này ở mức bình thường là 10,2%”.

Dư địa mở rộng tiêu thụ hàng nội còn rất lớn

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng phản ánh, sau 2 năm ký kết Thỏa thuận, các TĐ, TCT vẫn gặp khá nhiều vướng mắc khi ưu tiên sử dụng hàng hóa lẫn nhau nói riêng và sử dụng hàng Việt nói chung, như: việc thu xếp nguồn vốn trong nước khó khăn, nguồn vốn nhà nước hạn hẹp nên một số doanh nghiệp phải vay phần lớn ở nước ngoài, dẫn đến một số trường hợp các tổ chức cho vay yêu cầu nhà thầu hoặc thiết bị hàng hoá phải cung cấp từ nước ngoài. 

Trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 2 năm thực hiện “Thỏa thuận giữa các TĐ, TCT trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã ký “Thỏa thuận hợp tác tiếp tục thúc đẩy sử dụng sản phẩm của nhau”. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trao Bằng khen cho 3 TĐ trực thuộc Bộ, gồm TĐ Dệt may Việt Nam, TĐ Hóa chất, TĐ Than - Khoáng sản Việt Nam vì đã có những thành tích xuất sắc trong việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, hàng hóa được sản xuất trong nước vẫn chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng chưa đảm bảo nên chưa cạnh tranh được với các mặt hàng ngoại nhập. Hơn nữa, một số TĐ, TCT cần các loại hàng hoá đặc chủng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhưng trong nước chưa sản xuất được nên vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Để đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là việc thực hiện Thỏa thuận nêu trên, Bộ Công Thương khẳng định, dư địa mở rộng tiêu thụ hàng hóa của các TĐ, TCT tại thị trường trong nước còn rất lớn, nhất là khi các TĐ, TCT dần khắc phục những hạn chế về chất lượng hàng hóa, tính đồng nhất của sản phẩm, chủng loại, tiến độ giao hàng, chi phí sản xuất, năng suất lao động để cải thiện năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động marketing quảng bá sản phẩm…

Trao đổi với Báo Đấu thầu bên lề Hội nghị, một số ý kiến của doanh nghiệp cho rằng: Luật Đấu thầu năm 2013 đã có quy định ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa trong nước. Đây là một cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Nhấn mạnh thêm nội dung này, trong lời phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ ra: Đôi khi chỉ vì các chủ đầu tư công trình ngại tách phần công việc mà bỏ lỡ mất không ít cơ hội cho nhà thầu cũng như hàng hóa trong nước có thể đáp ứng được. Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong lãnh đạo các TĐ, TCT quan tâm để tận dụng những ưu đãi trong công tác này trong các chính sách về mua sắm để khuyến khích sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước sản xuất được.

Nguồn: Báo Đấu thầu - Trung Hiếu